Hóa giải thách thức từ bối cảnh kinh doanh mới

20/11/2024
(BĐT) – Theo dõi hoạt động của 80 doanh nghiệp (DN) đại chúng quy mô lớn tại Việt Nam, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cho biết, năm 2022, 2023, các DN chỉ có tăng trưởng về doanh thu, không có tăng trưởng về lợi nhuận, nhưng năm 2024, tổng lợi nhuận của 80 DN lớn dự báo sẽ tăng.

Năm 2025, dự báo hiệu quả của các DN lớn sẽ tiếp đà phục hồi dù bối cảnh có không ít bất ngờ phía trước đến từ dòng chảy kinh tế quốc tế, trong nước và đặc biệt là những chính sách được cả thế giới dõi theo từ tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Bối cảnh kinh doanh mới

Chia sẻ về tương lai, ông Dominic cho rằng, DN Việt Nam cần quan tâm đến một số biến số, trong đó, lớn nhất là dòng chảy thương mại toàn cầu. Theo thống kê, tổng giá trị thương mại toàn cầu hiện nay khoảng 25.000 – 30.000 tỷ USD/năm, bằng khoảng 25% GDP toàn cầu. Trong bức tranh chung, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 700 tỷ USD năm 2023, dự báo sẽ chạm mốc 800 tỷ USD năm 2024, tương đương 160% GDP đất nước. Những con số này cho thấy, dòng chảy thương mại quốc tế đang và sẽ có có ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

                                               Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đến một số biến số, trong đó, lớn nhất là dòng chảy thương mại toàn cầu
Không thể nắm bắt sớm các quyết sách tới đây của nước Mỹ, nhưng Chủ tịch Dragon Capital dự báo, Chính quyền Donald Trump sẽ tiếp tục hạn chế hàng Trung Quốc bằng việc áp thuế nhập khẩu cao hơn, với tiêu chuẩn khắt khe hơn. Diễn biến này sẽ khiến DN Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều chiều. Chẳng hạn, dòng chảy thương mại từ Việt Nam sang Mỹ có thể tiếp tục khả quan và tăng trưởng, nếu các DN khéo léo thích ứng và bắt kịp với nhu cầu của nền kinh tế lớn nhất toàn cầu. Hiện tại, Việt Nam đứng thứ 3 trong số các nước xuất dư sang Mỹ (103 tỷ USD), chỉ xếp sau Trung Quốc và Mexico. Ở khía cạnh khác, khi hàng Trung Quốc khó xuất khẩu vào thị trường Mỹ hơn, họ sẽ có xu hướng bán sang các nước khác, trong đó có Việt Nam và tạo thêm thách thức với nền sản xuất trong nước. Thực tế 2 năm nay, các DN nội địa đã phải đối mặt với sức ép hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào thị trường và thách thức này đang lớn dần lên khi một số DN công nghệ đã vào Việt Nam, mở rộng hình thức bán hàng không biên giới.

Với tư duy “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của tân Tổng thống Donald Trump, ông Dominic dự báo, sức mạnh của đồng bạc xanh sẽ tiếp tục cải thiện, tạo thêm thách thức cho các quốc gia như Việt Nam muốn duy trì giá trị đồng nội tệ. Về lãi suất, ông Dominic cho rằng, mặt bằng lãi suất ở Việt Nam so với quốc tế đã thấp, nên với sức ép tỷ giá USD, dư địa cắt giảm lãi suất tiếp theo là nhỏ. Áp dụng chính sách lãi suất như thế nào để hỗ trợ các DN và nền kinh tế tăng trưởng cao sẽ là bài toán khó của Chính phủ trong bức tranh kinh tế toàn cầu.

Bắt kịp và thích ứng với bối cảnh mới

Là người đứng đầu quỹ đầu tư tài chính có quy mô quản lý 6 tỷ USD, ông Dominic cho rằng, điểm đáng mừng là hiệu quả kinh doanh của 80 DN lớn đang có sự cải thiện. Trên toàn thị trường chứng khoán, khoảng 165 DN niêm yết được dự báo tăng trưởng trên 20% trong năm 2024. Tuy nhiên, bối cảnh kinh doanh sắp tới buộc các DN phải thay đổi để thích ứng và bắt kịp dòng chảy vốn cũng như nền sản xuất toàn cầu. Hai trong những việc DN nội địa cần cải thiện là quản trị minh bạch và chuyển hướng sang sản xuất xanh.

Chia sẻ với các DN tại Hội nghị doanh nghiệp niêm yết năm 2024 cuối tuần qua, bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành HOSE cho biết, so với các năm trước, năm nay ghi nhận nhiều DN có sự cải thiện trong thực hành tiêu chuẩn quốc tế về ESG và quản trị công ty. Đây là nền tảng quan trọng để các DN tiếp tục phát triển, gia tăng uy tín và thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, bà Đào cũng chỉ ra những điểm chưa tốt mà DN cần cải thiện, đó là chưa thực sự minh bạch về vai trò các bên hữu quan, nhất là việc công bố tác động môi trường – xã hội thông qua chính sách và thực hành với các bên trong chuỗi sản xuất – kinh doanh, công bố và thực hành các bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Nhiều DN chưa cập nhật, ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc thực hiện quyền cổ đông như họp trực tuyến, bỏ phiếu điện tử… Đặc biệt, giao thương giữa Việt Nam với quốc tế rất lớn, nhưng mới có rất ít DN đại chúng công bố thông tin bằng tiếng Anh. Theo thống kê, ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm mới có Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank, MBBank, VPBank, ACB, HDBank, Bảo Việt, PVI, SSI, HSC… công bố thông tin định kỳ bằng tiếng Anh. Trong nhóm DN quy mô lớn khác có Vingroup, Vinamilk, Masan, MWG, Sabeco, FPT, Coteccons, Sợi Thế Kỷ, Vietjet… công bố thông tin định kỳ và bất thường bằng tiếng Anh. Tựu trung lại, toàn thị trường mới có chưa đầy 40 DN làm báo cáo thường niên bằng tiếng Anh.

Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành HOSE cho biết, năm nay ghi nhận nhiều doanh nghiệp có sự cải thiện trong thực hành tiêu chuẩn quốc tế về ESG và quản trị công ty

Lãnh đạo HOSE thúc đẩy các DN tuân thủ quy định tại Thông tư số 68/2024/TT-BTC do Bộ Tài chính mới ban hành, trong đó yêu cầu các tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn công bố thông tin định kỳ đồng thời bằng tiếng Anh kể từ ngày 01/01/2025. Không chỉ với DN quy mô lớn, các DN quy mô vừa và nhỏ cũng được khích lệ công bố thông tin bằng tiếng Anh để mở rộng cơ hội thu hút vốn quốc tế và mở thêm cánh cửa giao thương với thị trường nước ngoài.

Về việc chuyển hướng sang sản xuất xanh, ông Tôn Thất Hạc Minh, Giám đốc Phát triển bền vững BYECO2 JSC cho biết, một số DN lớn đã triển khai sáng kiến giảm phát thải, trong đó đáng chú ý là ACB (đã thực hiện các biện pháp như tiết kiệm giấy, điện và sử dụng thảm tái chế, giúp cắt giảm tổng cộng hơn 267 tấn CO2 trong năm 2023), Sợi Thế Kỷ (tiếp tục nâng cao tỷ trọng sử dụng sợi tái chế và sử dụng năng lượng mặt trời, đồng thời triển khai các sáng kiến tiết kiệm điện, góp phần cắt giảm hơn 1.700 tấn CO2), Vinamilk (đã áp dụng hệ thống Biogas và năng lượng mặt trời, cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050)…

Theo ông Minh, cam kết của Việt Nam về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cần phải được cụ thể hóa trong chiến lược phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực và cộng đồng DN, vì đây là đối tượng chính phải tuân thủ. Nếu DN Việt Nam không chuyển mạnh sang sản xuất xanh và tuân thủ các quy chuẩn về bảo vệ môi trường, cơ hội xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sẽ nhỏ lại khi các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu thắt chặt hơn nữa việc kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu.

 
Tính đến 31/10/2024, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 280 tỷ USD, trong đó nhóm ngành tài chính và công nghệ thông tin đang dẫn đầu về hiệu quả sinh lời trên vốn chủ sở hữu. Nguồn: HOSE

Trên bình diện nền kinh tế, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mới đây đã ký Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Quyết định nêu cụ thể danh mục 2.166 chủ thể phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật năm 2024; trong đó có 1.805 cơ sở thuộc ngành công thương; 75 cơ sở thuộc ngành giao thông vận tải; 229 cơ sở thuộc ngành xây dựng và 57 cơ sở thuộc ngành tài nguyên và môi trường. Theo ông Tôn Thất Hạc Minh, cam kết phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam không chỉ là yêu cầu của luật pháp và xu hướng toàn cầu, mà cần được coi là chiến lược kinh doanh thông minh, giúp các DN nâng cao vị thế, quản lý rủi ro và thu hút đầu tư.