(ĐTCK) Trên bình diện toàn cầu, nhiều hoạt động kinh tế và tài chính phụ thuộc vào các dịch vụ hệ sinh thái, mà những dịch vụ này thì đang bị đe dọa bởi sự mất đa dạng sinh học trầm trọng nhất trong lịch sử. Ngành ngân hàng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cấp vốn cho một nền kinh tế đóng góp tích cực cho đa dạng sinh học.
Theo Liên hợp quốc, thế giới đang phải đối mặt với sự mất mát lớn nhất về sự sống kể từ thời kỳ khủng long, đó là sự mất đa dạng sinh học.
TS. Nguyễn Thị Mỹ Linh, CFA, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Tài chính, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam
Đa dạng sinh học bao hàm tất cả sự sống trên trái đất và các mô hình tự nhiên của chúng. Công ước khung về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đa dạng sinh học. Cụ thể, đa dạng sinh học có vai trò thiết yếu đối với tính toàn vẹn của các hệ sinh thái khác nhau trên hành tinh, đồng thời cung cấp các chức năng thích ứng vô cùng cần thiết như giảm thiểu biến đổi khí hậu cực đoan, giảm tình trạng mất an ninh lương thực, hỗ trợ đa dạng hóa kinh tế. Tuy nhiên, Báo cáo Sức sống hành tinh năm 2022 của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên cho thấy, số lượng các loài sinh vật trên toàn cầu đã giảm ở mức báo động là 69% kể từ năm 1970. Sự mất mát như vậy có thể dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Rủi ro tài chính liên quan đến đa dạng sinh học
Mất đa dạng sinh học ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm các hoạt động kinh tế và hệ thống tài chính. Đó là vì nhiều hoạt động kinh tế và tài chính phụ thuộc vào các dịch vụ hệ sinh thái, mà những dịch vụ này thì đang bị đe dọa bởi sự mất đa dạng sinh học trầm trọng nhất trong lịch sử, theo đánh giá của một báo cáo do Ngân hàng Thế giới công bố năm 2023 về các rủi ro đa dạng sinh học trong hệ thống ngân hàng của 20 thị trường mới nổi.
Báo cáo trên cho biết, khoảng một nửa danh mục tín dụng của các ngân hàng được phân bổ cho các công ty phụ thuộc nhiều hoặc rất nhiều vào một hoặc nhiều dịch vụ hệ sinh thái.
Trong khi đó, theo báo cáo State of Finance for Nature in the G20 (tạm dịch: Thực trạng tài chính vì thiên nhiên trong nhóm các nước G20), hơn một nửa GDP thế giới phụ thuộc ở mức vừa phải hoặc nhiều vào thiên nhiên và các dịch vụ hệ sinh thái. Các dịch vụ này nhằm chỉ những lợi ích mà con người nhận được từ thiên nhiên và có thể được phân loại thành 21 dịch vụ khác nhau dựa trên Bảng phân loại quốc tế chung về dịch vụ hệ sinh thái của ENCORE. Những lợi ích mà con người nhận được từ thiên nhiên cho phép và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sản xuất – kinh doanh. Ví dụ, xử lý môi trường ô nhiễm bằng phương pháp sinh học cung cấp cho con người không khí và nước sạch, hay dựa vào thiên nhiên để bảo vệ khỏi lũ lụt và bão giúp giảm thiệt hại và chi phí cho con người.
Trước đó, một báo cáo năm 2022 của nhóm nghiên cứu về đa dạng sinh học và ổn định tài chính đến từ Mạng lưới xanh hóa hệ thống tài chính (NGFS) và Mạng lưới quốc tế về hiểu biết, nghiên cứu và trao đổi chính sách tài chính bền vững (INSPIRE) nhấn mạnh đến nguy cơ hệ thống tài chính sẽ chịu tổn thương khi các hệ sinh thái bị suy yếu. Nhóm nghiên cứu phân loại rủi ro tài chính liên quan đến đa dạng sinh học thành rủi ro vật chất và rủi ro chuyển đổi.
Rủi ro vật chất có liên quan đến sự suy yếu của các dịch vụ hệ sinh thái mà các chủ thể kinh tế phụ thuộc vào. Ví dụ, thay đổi về cách sử dụng đất gây tác động bất lợi đến hoạt động kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của các công ty đi vay và tiếp đến là ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng của các tổ chức tài chính. Mực nước biển dâng và những thay đổi trong môi trường sống ven biển có thể ảnh hưởng đến tài sản ven biển và các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực đó, dẫn đến những rủi ro về tài chính và kinh doanh.
Còn rủi ro chuyển đổi xuất phát từ sự thiếu phù hợp giữa một bên là các tác động đến đa dạng sinh học liên quan đến danh mục đầu tư của các tổ chức tài chính và một bên là các nỗ lực giảm thiểu, khắc phục thiệt hại về đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Ví dụ, thay đổi trong chính sách hoặc sở thích của người tiêu dùng ảnh hưởng đến doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, từ đó liên đới sang các tổ chức tài chính. Nói một cách cụ thể hơn, khi người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về sự mất mát đa dạng sinh học, họ có thể tăng cường tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ hướng tới bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời giảm thiểu hoặc thậm chí từ chối những sản phẩm, dịch vụ có hại cho thiên nhiên. Kết quả là các doanh nghiệp hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ gây tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học có thể chịu ảnh hưởng đáng kể.
Ngoài ra, theo một báo cáo của OECD năm 2023, có thể có các nhóm rủi ro tài chính khác liên quan đến đa dạng sinh học như rủi ro trách nhiệm pháp lý và rủi ro danh tiếng. Ví dụ, khi nhận thức của công chúng về đa dạng sinh học tăng lên, các doanh nghiệp có tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học có thể phải đối mặt với áp lực rất lớn cũng như tổn thất về uy tín, có khả năng dẫn đến tổn thất tài chính. Những rủi ro như vậy có thể đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính, nhưng chưa được các bên tham gia thị trường hiểu rõ và định giá.
Giữ gìn đa dạng sinh học là nhiệm vụ mang tính thời đại
Huy động vốn hướng tới đóng góp tích cực cho đa dạng sinh học
Nhiều tổ chức, chính phủ và cá nhân đã nỗ lực giải quyết thách thức lớn về mất đa dạng sinh học. Ví dụ, trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc, SDG 14 nhằm mục đích thúc đẩy việc bảo tồn, sử dụng bền vững đại dương và tài nguyên biển, SDG 15 nhằm bảo tồn sự sống trên đất liền.
Theo báo cáo của Công ước Đa dạng sinh học, gần 100 quốc gia trên thế giới đã đưa các giá trị đa dạng sinh học vào hệ thống kế toán quốc gia. Nguồn tài chính dành cho đa dạng sinh học thông qua các dòng chảy quốc tế cũng đã tăng gấp đôi từ năm 2011 đến năm 2020.
Tại Hội nghị lần thứ 15 của các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (COP15) vào năm 2022, đại diện của 188 chính phủ đã thông qua gói biện pháp lịch sử nhằm giải quyết tình trạng mất đa dạng sinh học.
Đáng chú ý, các mục tiêu chính đến năm 2030 bao gồm mỗi năm huy động ít nhất 200 tỷ USD tiền tài trợ trong nước và quốc tế liên quan đến đa dạng sinh học từ mọi nguồn lực (cả công và tư), đồng thời nâng giá trị tài trợ quốc tế từ các nền kinh tế phát triển sang các nền kinh tế đang phát triển lên tối thiểu 20 tỷ USD/năm vào năm 2025 và 30 tỷ USD/năm vào năm 2030. Các tổ chức tài chính, đặc biệt là các ngân hàng, đóng vai trò quan trọng trong công tác huy động vốn này nhằm hướng tới một nền kinh tế đóng góp tích cực cho đa dạng sinh học.
Các báo cáo của Sáng kiến tài chính đa dạng sinh học (BIOFIN) trực thuộc UNDP cho thấy, Việt Nam đã có những động thái tích cực nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, thể hiện ở khung pháp lý, chính sách cũng như nhiều hành động mà Chính phủ đã và đang thực hiện. Trên toàn cầu, Việt Nam thuộc tốp 10 trung tâm đa dạng sinh học giàu có nhất và xếp thứ 16 trong số các quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất.
Ngành ngân hàng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cấp vốn cho một nền kinh tế đóng góp tích cực cho đa dạng sinh học. Có một số gợi ý chính mà các ngân hàng/tổ chức tài chính có thể xem xét.
Đầu tiên, nâng cao nhận thức về rủi ro đa dạng sinh học và mối liên hệ của chúng với các ngân hàng/tổ chức tài chính. Để hiện thực hóa điều này, cần sự hợp tác của các bên liên quan thuộc nhiều lĩnh vực, bao gồm chính phủ, các tổ chức hữu quan, tổ chức tài chính, trường đại học, giới truyền thông.
Thứ hai, trước khi đưa ra các quyết định liên quan đến đa dạng sinh học, các ngân hàng/tổ chức tài chính cần đo lường chính xác những rủi ro liên quan đến đa dạng sinh học. Đây là một bước quan trọng để họ hiểu rõ hơn và đánh giá được rủi ro, từ đó đưa ra các quyết định liên quan như đánh giá đơn xin vay của người đi vay. Tuy nhiên, đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Như báo cáo năm 2022 của NGFS-INSPIRE đã nêu rõ, bản thân tính đa dạng sinh học đã khó đo lường. Do đó, việc đo lường rủi ro đa dạng sinh học lại càng khó khăn hơn. Ngoài ra, báo cáo này nhận định, hiện nay chưa có một khuôn khổ nhất quán để các doanh nghiệp và người tham gia thị trường công bố và đo lường rủi ro đa dạng sinh học. Một tin vui là có nhiều tổ chức và chính phủ trên toàn thế giới đang nỗ lực không ngừng để phát triển khung đo lường và công bố rủi ro đa dạng sinh học, chẳng hạn như Task Force on Nature-related Financial Disclosures (TNFD) (tạm dịch: Lực lượng đặc nhiệm về công bố tài chính liên quan đến thiên nhiên).
Thứ ba, các ngân hàng/tổ chức tài chính nên phát triển những mô hình định giá vốn tự nhiên phù hợp, theo khuyến nghị của hai nhà nghiên cứu Karolyi và Tobin-de la Puente thuộc Đại học Cornell trong một bài báo khoa học về tài chính đa dạng sinh học xuất bản năm 2022.
Theo Hệ thống Kế toán Kinh tế Môi trường (SEEA), vốn tự nhiên chỉ việc cung cấp các nguồn tài nguyên có thể tái tạo hoặc không thể tái tạo (ví dụ động vật, không khí, nước, khoáng sản…) nhằm mang lại lợi ích cho con người. Các ngân hàng/tổ chức tài chính nên đưa vốn tự nhiên cũng như các rủi ro liên quan đến đa dạng sinh học vào việc định giá dự án, quản lý rủi ro cũng như đánh giá tín dụng. Điều này có thể giúp thúc đẩy dòng tài chính chảy vào những khoản đầu tư tích cực cho đa dạng sinh học và tránh xa các hoạt động gây hại tới đa dạng sinh học.
Cuối cùng, cần giám sát bài bản việc thực hiện các chiến lược/hành động liên quan đến đa dạng sinh học. Việc này thường được tiến hành ở cấp hội đồng quản trị hoặc đội ngũ quản lý cấp cao. Quản trị đóng vai trò quan trọng đối với kết quả bền vững của mỗi doanh nghiệp, như một nghiên cứu của nhóm nghiên cứu tại Đại học RMIT Việt Nam đã chỉ ra rằng, các gói quản trị doanh nghiệp (tức là sự kết hợp của nhiều cơ chế quản trị doanh nghiệp) phù hợp sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động bền vững của doanh nghiệp (ví dụ hoạt động công bố thông tin về môi trường, xã hội và quản trị – ESG).
Tóm lại, bảo tồn đa dạng sinh học là rất quan trọng đối với tất cả các doanh nghiệp, bởi vì sự mất đa dạng sinh học đi kèm với nhiều rủi ro và tác động. Các tổ chức tài chính đóng vai trò thiết yếu trong công tác bảo tồn thông qua việc huy động vốn tài chính cho các hoạt động kinh tế và đầu tư đóng góp tích cực cho đa dạng sinh học. Mặc dù nỗ lực từ phía chính phủ và các tổ chức khác đã thúc đẩy những bước tiến nhất định trong công cuộc này, song Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu so với các nước khác, nhất là ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ví dụ, Ngân hàng Australia đã tuyên bố chi tiết các hành động sẽ thực hiện để bảo tồn thiên nhiên trong chiến lược đa dạng sinh học và thiên nhiên giai đoạn 2023 – 2030. Tờ Business Times cho hay, một số ngân hàng ở Singapore đã bắt đầu quá trình tích hợp rủi ro đa dạng sinh học vào các chính sách và hoạt động cho vay.
Với cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ thiên nhiên, Việt Nam nên kêu gọi nỗ lực nhiều hơn nữa để đưa bảo tồn đa dạng sinh học trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành ngân hàng.